[Research Contribution] Sáng tạo từ Trí tuệ nhân tạo: Mâu thuẫn đạo đức và Vấn đề bản quyền

Nằm trong hoạt động chia sẻ và lan tỏa kiến thức học thuật thuộc chuỗi sự kiện ArtTech Fusion của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), phiên thảo luận với chủ đề “AI Creativity: Ethical Dilemmas and Copyright Challenges” (Sáng tạo từ Trí tuệ nhân tạo: Mâu thuẫn đạo đức và vấn đề bản quyền) mở ra góc nhìn mới về sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Các diễn giả đã cùng chia sẻ về tiềm năng đột phá của AI trong nghệ thuật, từ tạo ra những hình ảnh chân thực, soạn nhạc cho đến sáng tác văn học, song song với đó là những thách thức về chuẩn mực đạo đức và vấn đề bản quyền. Phiên thảo luận đã phân tích tác động của vấn đề này đối với cộng đồng ArtTech, từ đó đề xuất những nỗ lực hướng tới sự bền vững trong lĩnh vực đang thay đổi nhanh chóng này.

Thumb Lớn Thương Hiệu Học Thuật Mới (3)Picture1

Hình 1. Phiên thảo luận “AI Creativity: Ethical Dilemmas and Copyright Challenges”

Phiên thảo luận đặc biệt do Giáo sư Andrea Giansanti – Viện Công nghệ và Thiết kế Pantheon (Ý) làm chủ tọa cùng sự góp mặt của các diễn giả: Ông Lê Gia Phong – Đồng sáng lập Công ty Future Eyes; Ông Nguyễn Khoa Mỹ – Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR); và Tiến sĩ Irina Shchemeleva – Đại học Harbour Space (Tây Ban Nha/Thái Lan). Phiên thảo luận mang đến góc nhìn đa chiều về tiềm năng đột phá của trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật, đồng thời phân tích sâu các thách thức về đạo đức và bản quyền trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Ai sẽ là tác giả thực sự?

Một trong những câu hỏi hóc búa nhất được đặt ra: Ai sẽ được công nhận là tác giả của một tác phẩm do AI tạo ra? Là thuật toán phức tạp đứng sau quá trình sáng tạo, hay là người đã cung cấp dữ liệu và định hình hướng đi cho AI?

Theo luật bản quyền truyền thống, tác quyền thường thuộc về người sáng tạo, tức là cá nhân có đóng góp trí tuệ trực tiếp vào quá trình tạo ra tác phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ranh giới giữa con người và máy móc trở nên mờ nhạt. Liệu một thuật toán có thể được coi là một “người sáng tạo” hay không?

Vấn đề bản quyền đối với các tác phẩm do AI tạo ra trở nên càng phức tạp hơn khi xét đến việc các thuật toán này thường được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu khác, điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu các tác phẩm tạo ra có vi phạm bản quyền của các tác giả gốc hay không. Một vấn đề khác là việc xác định quyền sở hữu đối với các tác phẩm này. Nếu một công ty phát triển thuật toán AI, liệu công ty đó có quyền sở hữu tất cả các tác phẩm được tạo ra bởi thuật toán đó? Hay quyền sở hữu sẽ thuộc về người sử dụng thuật toán?

Picture2

Hình 2. Giáo sư Andrea Giansanti – Chủ tọa của phiên thảo luận đặc biệt

Mới đây, Wacom – Công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất máy vẽ đồ họa cho nghệ sĩ số đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận khi sử dụng các hình ảnh do trí tuệ nhân tạo tạo ra trong chiến dịch tiếp thị của mình. Công ty này bị chỉ trích vì đã “phản bội” nghệ thuật khi thay thế nghệ sĩ bằng trí tuệ nhân tạo. Mặc dù Wacom sau đó đã gỡ bỏ những hình ảnh này, sự việc vẫn làm dấy lên câu hỏi về vai trò của các công ty công nghệ trong việc bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và bảo đảm tính sáng tạo thực sự trong ngành nghệ thuật số.

Picture3

Hình 3. Hình ảnh công ty Wacom dùng trong chiến dịch tiếp thị

Bên cạnh những tranh cãi xung quanh các vấn đề đạo đức, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng khiến luật bản quyền truyền thống gặp khó khăn trong việc thích ứng. Một trong số đó là thách thức pháp lý trong việc sử dụng dữ liệu công khai và tạo ra nội dung dựa trên dữ liệu này để huấn luyện AI. Điều này đã trở thành vấn đề tranh cãi lớn, đòi hỏi sự điều chỉnh trong luật pháp nhằm xác định rõ ràng quyền sử dụng dữ liệu công khai để phát triển công nghệ.

Picture4

Hình 4. Biểu tượng của hãng truyền thông trực quan Getty Images

Một trường hợp điển hình là vụ kiện giữa Getty Images và Stability AI. Getty Images đã kiện Stability AI vì cáo buộc công ty này thu thập và sử dụng trái phép một lượng lớn hình ảnh có bản quyền từ kho dữ liệu của họ để huấn luyện cho Stability AI. Getty Images cho rằng, hành vi này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn xâm phạm quyền kiểm soát của họ đối với tài sản trí tuệ. Trong khi đó, Stability AI phản biện rằng họ chỉ sử dụng các hình ảnh từ nguồn công khai và khẳng định rằng hành động của mình là hợp pháp. Nhiều khả năng, kết quả của vụ kiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức mà các công ty AI thu thập và sử dụng dữ liệu từ Internet. Theo trang tin công nghệ The Verge (Mỹ), kết quả vụ kiện có thể xác định giới hạn pháp lý của việc dùng dữ liệu công khai cho mục đích phát triển công nghệ trong tương lai.

Vậy đâu có thể được xem là thước đo cho mục đích sử dụng những dữ liệu này? Theo nguyên tắc fair use, có bốn yếu tố chính để đánh giá việc sử dụng tác phẩm có hợp lý hay không bao gồm: (1) mục đích và tính chất của việc sử dụng, (2) tính chất của tác phẩm gốc, (3) mức độ sử dụng và (4) mức độ ảnh hưởng đến giá trị thị trường của tác phẩm. Tuy nhiên, việc áp dụng những nguyên tắc này vẫn đang là một thách thức lớn.

Điều gì thực sự được xem là sáng tạo?

Sáng tạo của con người thường gắn liền với tính độc đáo, ý định và biểu đạt cảm xúc. Trong khi đó, AI chỉ dựa trên thuật toán và dữ liệu sẵn có để tạo ra tác phẩm, thiếu đi chiều sâu cảm xúc và ý nghĩa triết lý mà con người mang lại. Điều này làm giảm giá trị cảm xúc và văn hóa của nghệ thuật, vốn là tấm gương phản chiếu trải nghiệm nhân loại. Nếu nghệ thuật không còn là sự phản ánh của trải nghiệm con người, liệu nó có mất đi ý nghĩa văn hóa?

Nghệ thuật do con người tạo ra không đơn thuần chỉ phản ánh thế giới bên ngoài mà còn là một hành trình khám phá nội tâm. Chính quá trình sáng tạo đầy trăn trở, những khoảnh khắc cảm hứng bất chợt đã tạo nên giá trị độc nhất của nghệ thuật. Nếu một tác phẩm không phản ánh những mâu thuẫn, khát vọng, và cảm xúc thực sự của con người, nó có thể dần trở nên rỗng tuếch, mất đi sức mạnh để lay động tâm hồn và tạo ra sự thay đổi. AI, với khả năng xử lý và tái tạo dựa trên dữ liệu khổng lồ, có thể tạo ra những sản phẩm bắt mắt và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nó thiếu đi sự ngẫu nhiên, tinh thần khám phá và những dấu ấn cá nhân mà chỉ con người mới có thể thổi hồn vào tác phẩm. Điều này đặt ra một trách nhiệm lớn lao cho các nghệ sĩ trong thời đại số: làm thế nào để bảo vệ tính “người” trong nghệ thuật, đồng thời tận dụng những công cụ hiện đại như AI để mở rộng khả năng sáng tạo mà không đánh mất bản chất của nghệ thuật đích thực.

Bảo vệ và kết hợp

Một trong những giải pháp hiện nay cho những mâu thuẫn là sử dụng những công cụ bảo vệ nghệ sĩ trước sự xâm phạm của trí tuệ nhân tạo, trong đó tiêu biểu có thể kể đến Glaze. Công nghệ này giúp bảo vệ tác phẩm nghệ thuật bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ mà mắt người không nhận thấy, nhưng lại làm cho AI không thể sao chép phong cách nghệ thuật gốc. Đây là một bước đi quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ trong bối cảnh AI ngày càng phát triển.

Trong tương lai, thay vì coi AI là mối đe dọa, chúng ta có thể xem nó như một công cụ hỗ trợ, nơi con người và AI hợp tác để thúc đẩy sự sáng tạo. AI có thể xử lý các yếu tố kỹ thuật hoặc phân tích dữ liệu, trong khi con người mang lại ý nghĩa, cảm xúc và sự sáng tạo độc đáo. Sự hợp tác này không nhất thiết làm mờ ranh giới giữa hai bên mà có thể bổ trợ lẫn nhau. Con người vẫn giữ vai trò điều hướng, đặt câu hỏi và định hướng cảm xúc trong tác phẩm, trong khi AI cung cấp sức mạnh xử lý và khả năng khám phá các hình thức nghệ thuật mới. Đây là cơ hội để phát triển những phong cách sáng tạo hoàn toàn khác biệt, kết hợp giữa trí tuệ con người và sức mạnh công nghệ. Tuy nhiên, để sự kết hợp này thực sự hiệu quả, cần phải có sự giáo dục và trang bị kiến thức cho các nghệ sĩ về cách sử dụng AI một cách có đạo đức và sáng tạo. Đồng thời, các cộng đồng nghệ thuật cũng nên được khuyến khích đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng AI vào sáng tạo, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ một cách công bằng.

Picture5

Hình 5. Chủ tọa cùng các diễn giả cùng bàn luận dự đoán về tương lai của sáng tạo nghệ thuật kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo

Khi con người và AI cùng tồn tại và phát triển trong thế giới nghệ thuật, thách thức lớn nhất không nằm ở công nghệ mà ở cách chúng ta định hình vai trò của mỗi bên. Liệu AI có trở thành một đối thủ cạnh tranh hay là một người bạn đồng hành? Câu trả lời phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng và điều chỉnh công nghệ để phục vụ cho các giá trị nghệ thuật và văn hóa. Chỉ khi cân bằng được giữa sự bảo vệ, khai thác và sáng tạo, nghệ thuật mới có thể tiếp tục phát triển bền vững trong thời đại số.

Sinh viên và bài học về đạo đức trong sáng tạo cùng trí tuệ nhân tạo

Phiên thảo luận khuyến khích các bạn sinh viên không chỉ lắng nghe mà còn chủ động tham gia trao đổi về các yếu tố đạo đức và pháp lý khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nghệ thuật. Các diễn giả đã mở ra cho sinh viên góc nhìn đa chiều về cách thức mà công nghệ AI có thể hỗ trợ quá trình sáng tạo, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và vấn đề bản quyền. Qua đó, các bạn sinh viên tham gia không chỉ hiểu rõ hơn về tác động của AI đối với nghệ thuật mà còn nhận thấy rằng việc áp dụng AI một cách có trách nhiệm là nền tảng giúp duy trì sự phát triển bền vững trong lĩnh vực sáng tạo.

Picture6

Hình 6. Sinh viên chăm chú lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả

Phiên thảo luận đã làm rõ rằng, bên cạnh tiềm năng to lớn, AI cũng đặt ra nhiều thách thức cho các lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo. Các diễn giả nhấn mạnh rằng mặc dù AI có thể tạo ra các tác phẩm mới, nhưng nếu thiếu đi tính nhân văn và không tuân thủ luật bản quyền, công nghệ này có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là với các nghệ sĩ. Thông điệp về tính trách nhiệm và nhân văn trong sáng tạo đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, thôi thúc sinh viên tiếp tục hành trình sáng tạo với sự cẩn trọng, biến những ý tưởng về sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ thành hiện thực một cách bền vững và công bằng.

Ngày viết:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *